Đang gửi...

Uy tín số 1 Việt Nam

Từ 1/2018: Xiết chặt hơn quy định về cư trú và lao động đối với visa tị nạn

Từ 1/2018: Xiết chặt hơn quy định về cư trú và lao động đối với visa tị nạn

  Ở bài viết trước Tomoni đã nói về định nghĩa visa Tị nạn, hình thức visa, thời gian chờ xét và khả năng chuyển đổi từ visa Tị nạn sang visa khác. Tuy nhiên từ ngày 15 tháng 1 năm 2018, chính phủ Nhật Bản lại có những thay đổi mới đối với visa Tị nạn, vậy những thay đổi đó là gì?

Visa Tị nạn là gì?: Tìm hiểu về visa tị nạn tại Nhật 

Tình trạng visa Tị nạn hiện nay

  Theo thống kê của Cục Xuất Nhập Cảnh, năm 2015 có 7,568 người đăng ký xin visa Tị nạn, năm 2016 có 10,901 người đăng ký và mới đây vào năm 2017 có tới 19,628 người đăng ký loại hình visa này, tăng gần 80% so với các năm trước đó. Tình trạng này cho thấy việc một bộ phận người nước ngoài muốn được lưu trú lại Nhật sau khi hết hạn visa, đã lợi dụng chế độ tị nạn này như một kẽ hở giúp họ có thể ở lại Nhật làm việc một cách hợp pháp. Và để khắc phục tình trạng này, ngày 15/1/2018 vừa qua, Bộ Tư Pháp Nhật Bản đã đưa vào một số sửa đổi mới liên quan tới việc đăng ký visa tị nạn, trong đó xiết chặt hơn những quy định về thời gian cư trú và lao động đối với những đối tượng không phù hợp.

  Có gần 20,000 người nộp đơn xin visa Tị nạn vào năm 2017. Trong đó người mang quốc tịch Philipines là nhiều nhất với 4,895 người, theo sau đó là Việt Nam với 3,116 người và xếp thứ ba là Sri Lanka với 2,226 người. Trong số gần 20,000 người nộp đơn chỉ có 0,1% người được chấp nhận và 0,1% đó không ai thuộc 3 quốc gia đã nêu trên. Tới đây các bạn có thể thấy việc xin visa Tị nạn khó đến thế nào.  

  Như đã nêu ở bài viết trước, visa Tị nạn được sinh ra giành cho những người bị hoặc có thể bị đàn áp do các quan điểm về chính trị, tôn giáo, chủng tộc…cho nên họ không thể nhận được sự bảo hộ của chính quyền nơi đó hoặc không muốn nhận sự bảo hộ đó. Kể cả những người chạy trốn khỏi đất nước bị chiến tranh cũng không được công nhận là người Tị nạn. Cho tới bây giờ, chính vì có chế độ sau 6 tháng nộp đơn xin visa mà chưa có kết quả (thường thì sẽ không có ngay) bạn sẽ được đổi visa sang thành visa “Hoạt động đặc biệt” 特定活動và được đi làm không giới hạn 28h/tuần mà lượng người lặp đi lặp lại việc nộp đơn nhằm ở lại đi làm tăng một cách chóng mặt và gây ra rất nhiều rắc rối trong việc xác thực những người thực sự cần visa Tị nạn.

Quy định mới cho người tị nạn

  Theo quy định mới, người xin visa Tị nạn sau 2 tháng nộp hồ sơ sẽ được chia ra làm 4 trường hợp như sau:

  1. Hồ sơ có khả năng chấp nhận cao
  2. Hồ sơ hoàn toàn không phù hợp
  3. Hồ sơ nộp lại
  4. Chưa xác định
  • Đối với trường hợp 1, được cấp tư cách lưu trú và tư cách đi làm.
  • Đối với trường hợp 2 và 3, không được đi làm và sau khi hết thời hạn lưu trú sẽ bị bắt và cưỡng chế về nước.
  • Đối với trường hợp 4, Cục Xuất Nhập Cảnh sẽ tiếp tục điều tra thêm.

  Người có hồ sơ được phân vào mục “Hoàn toàn không phù hợp” sẽ không được nhận visa Hoạt động đặc biệt và đương nhiên là sẽ không được đi làm. Và một khi hồ sơ bị từ chối cũng sẽ không được phép nộp lại hồ sơ và cũng không được làm việc cũng như ở lại Nhật Bản.

Rủi ro trong việc sử dụng visa Tị nạn đối với các quy định mới

  Với những quy định mới, người nước ngoài có visa Du học hoặc visa Thực tập sinh không thể áp dụng việc xin visa Tị nạn và làm việc dưới dạng visa Hoạt động đặc thù. Những người nộp đơn xin visa Tị nạn sẽ không được làm việctrong khi chờ xét hồ sơ, khả năng trượt visa Hoạt động đặc thù sau 2 tháng nộp là 99,9% và không được phép nộp lại và chỉ có những hồ sơ xin visa Tị nạn mới được giữ lại. 

  Bạn biết không, một khi đã nộp hồ sơ xin Tị nạn, hồ sơ ấy sẽ còn cho tới cuối cùng và cũng sẽ có ảnh hưởng xấu đến visa của cá nhân bạn và của gia đình . Cũng sẽ ảnh hưởng tới tất cả các loại hình visa khác như: visa Gia đình, visa Lao động, visa Vĩnh trú, nhập quốc tịch,…và ảnh hưởng tới cả khi bạn về nước, trong tương lai cho dù bạn có bất kỳ lí do nào để quay lại Nhật Bản cũng có thể bị từ chối nhập cảnh.

  Bạn thấy đó, việc xin visa Tị nạn ngày càng khó và có hệ lụy rất xấu nếu như hồ sơ không phù hợp. Vì vậy hãy cân nhắc thật kỹ càng nhé.

Theo: tomonivj.jp